Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 1

    Hôm nay: 147

    Đã truy cập: 509665

Huyện Quảng Xương đẩy mạnh phát triển các ngành nghề nông thôn

Với những lợi thế về tự nhiên, giao thông thuận lợi và giao thương phát triển, những năm qua, huyện Quảng Xương đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực để đẩy mạnh phát triển các ngành nghề nông thôn, trong đó chú trọng các nghề tiểu thủ công nghiệp, thông qua việc khôi phục các nghề truyền thống, du nhập, nhân cấy nghề mới, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Hiện nay, ngành nghề ở nông thôn huyện Quảng Xương phát triển khá đa dạng với các lĩnh vực như: chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; ngành nghề xây dựng, đúc đồng, mộc dân dụng, cơ khí, may mặc, dệt chiếu, tái chế lốp ô tô…tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho hàng chục nghìn lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân ước đạt từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng/người/năm.

Trong những năm qua, để nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề trồng và chế biến sản phẩm từ cói, xã Quảng Trường đã khuyến khích các doanh nghiệp, các hộ gia đình đầu tư vốn để mua mới, cải tạo máy dệt chiếu, nâng cao năng suất, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Với 165 máy dệt chiếu, xã Quảng Trường đã giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 1 nghìn lao động địa phương. Công suất một máy dệt chiếu dệt được khoảng 45 đến 50 đôi/ngày, năng suất tăng gấp nhiều lần so với làm thủ công truyền thống. Nghề dệt chiếu xã Quảng Trường không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho các hộ chủ máy mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương với lương từ 3 đến 7 triệu đồng/ người/ tháng. Nhờ phát triển mạnh nghề đệt chiếu, Quảng Trường đã tạo được bước đi vững chắc trong đời sống kinh tế - xã hội, nhiều hộ vươn lên làm giàu từ nghề trồng cói, dệt chiếu, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn dưới 0,8%.

Với mục tiêu, phát triển làng nghề giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân gắn kết với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Quảng Xương đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phát triển theo hướng đa dạng hóa các ngành nghề nông thôn, trong đó, chú trọng mở các lớp tập huấn, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dạy nghề, truyền nghề, bảo đảm học viên, người lao động sau khi học nghề có thể thực hành, áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh; khuyến khích phát triển các sản phẩm, làng nghề trên cơ sở ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của thị trường, trong đó ưu tiên việc xây dựng kế hoạch phát triển một số ngành nghề gắn liền với phát triển thương hiệu sản phẩm, như: nghề trồng cói và sản xuất các sản phẩm từ cói tại một số xã vùng đồng: Quảng Phúc, Quảng Trường, Quảng Văn, Quảng Khê, Quảng Long, Quảng Ngọc, Quảng Hợp; nghề trồng đào Quảng Chính và nghề chế biến thủy sản Quảng Nham. Đồng thời, thực hiện khôi phục một số làng nghề, giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn gắn với chương trình đào tạo nghề, như: nghề mây tre đan truyền thống ở xã Quảng Phong cũ (nay là thị trấn Tân Phong); nghề đan cói thủ công mỹ nghệ...Phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn huyện Quảng Xương có 3 làng nghề được UBND tỉnh công nhận làng nghề theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, gồm: làng nghề chiếu cói Quảng Phúc, làng nghề trồng đào Quảng Chính và làng nghề chế biến thủy sản Quảng Nham. Nâng thu nhập bình quân của lao động làng nghề đạt 5 - 7 triệu đồng/người/tháng; 100% sản phẩm làng nghề được xây dựng Chương trình OCOP, đăng ký nhãn hiệu; 100% các sản phẩm làng nghề được ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa các sản phẩm nước mắm và chế biến thủy sản Quảng Nham bán tại các siêu thị trên địa bàn trong và ngoài tỉnh; nâng diện tích trồng đào xã Quảng Chính lên 40 ha.

Để đạt được mục tiêu trên, huyện Quảng Xương tiếp tục khuyến khích, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế tham gia đầu tư và phát triển nông nghiệp, nông thôn; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề, đa dạng hóa các phương thức đào tạo, dạy nghề theo định hướng phát triển của huyện và nhu cầu phát triển của thị trường lao động. Đồng thời, triển khai tốt các chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, khuyến khích các cơ sở đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường; hỗ trợ làng nghề, làng có nghề để xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, đăng ký thương hiệu, quảng bá xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch; tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm của tỉnh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại các sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề theo Chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia, Chương trình xúc tiến thương mại - du lịch của các địa phương và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Bên cạnh đó, hướng dẫn các làng nghề tuân thủ tốt vấn đề bảo vệ môi trường, bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Các tin liên quan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ QUẢNG NGỌC- HUYỆN QUẢNG XƯƠNG

Chịu trách nhiệm: Ông Vương Huy Tưởng - Chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: Thôn Uy Nam, xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa

Số điện thoại: 02373676217

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa